Tìm các từ ngữ, hình ảnh đẹp và cách đặt câu hỏi để giảng các từ ngữ, hình ảnh đó trong một số bài tập đọc lớp 4

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Năm học 2005 - 2006 là năm học thay sách của lớp 4. Đây là lớp học đầu của giai đoạn 2 nên phương pháp dạy học có sự thay đổi hơn so với các lớp ở giai đoạn 1. Như chúng ta đã biết mục tiêu chính của phân môn tập đọc là rèn kỹ năng đọc đúng, đọc diễn cảm và làm cho học sinh hiểu cảm thụ tốt bài đọc. Tôi luôn tâm niệm một điều là phải làm sao thông qua đọc hiểu để các em cảm thụ văn học, giáo dục nhân cách cho học sinh nhằm phát triển toàn diện và ngược lại cũng thông qua cảm thụ văn học giúp các em đọc diễn cảm tốt hơn. Theo tôi để mục tiêu trên đạt kết quả cao, ngoài việc làm cho học sinh đọc đúng, đọc diễn cảm thì học sinh phải hiểu sâu sắc các từ ngữ, hình ảnh trong bài phản ánh nội dung bài đọc thông qua mục tìm hiểu bài. Nhiều bài tập đọc làm văn bản mang tính nghệ thuật cao, nếu chỉ luyện cho học sinh đọc đúng và đọc diễn cảm thì chưa đủ mà phải giúp học sinh cảm thụ được cái “thần” của văn bản mà các yếu tố nghệ thuật giảng từ, giảng các hình ảnh là phương tiện để chuyển tải nội dung. Như vậy điều đáng quan tâm ở đây là phần tìm từ ngữ, hình ảnh đẹp và giảng từ ngữ, hình ảnh đẹp đó trong phân môn tập đọc.

 

doc 10 trang Người đăng hoaian89 Lượt xem 2721Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tìm các từ ngữ, hình ảnh đẹp và cách đặt câu hỏi để giảng các từ ngữ, hình ảnh đó trong một số bài tập đọc lớp 4", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
“Tìm các từ ngữ, hình ảnh đẹp và cách đặt câu hỏi để giảng các từ ngữ, hình ảnh đó trong một số bài tập đọc lớp 4”.
Đặt vấn đề:
Năm học 2005 - 2006 là năm học thay sách của lớp 4. Đây là lớp học đầu của giai đoạn 2 nên phương pháp dạy học có sự thay đổi hơn so với các lớp ở giai đoạn 1. Như chúng ta đã biết mục tiêu chính của phân môn tập đọc là rèn kỹ năng đọc đúng, đọc diễn cảm và làm cho học sinh hiểu cảm thụ tốt bài đọc. Tôi luôn tâm niệm một điều là phải làm sao thông qua đọc hiểu để các em cảm thụ văn học, giáo dục nhân cách cho học sinh nhằm phát triển toàn diện và ngược lại cũng thông qua cảm thụ văn học giúp các em đọc diễn cảm tốt hơn. Theo tôi để mục tiêu trên đạt kết quả cao, ngoài việc làm cho học sinh đọc đúng, đọc diễn cảm thì học sinh phải hiểu sâu sắc các từ ngữ, hình ảnh trong bài phản ánh nội dung bài đọc thông qua mục tìm hiểu bài. Nhiều bài tập đọc làm văn bản mang tính nghệ thuật cao, nếu chỉ luyện cho học sinh đọc đúng và đọc diễn cảm thì chưa đủ mà phải giúp học sinh cảm thụ được cái “thần” của văn bản mà các yếu tố nghệ thuật giảng từ, giảng các hình ảnh là phương tiện để chuyển tải nội dung. Như vậy điều đáng quan tâm ở đây là phần tìm từ ngữ, hình ảnh đẹp và giảng từ ngữ, hình ảnh đẹp đó trong phân môn tập đọc.
Trước đây phần giảng từ khi tìm hiểu bài có trong phần mục tiêu của bài soạn hoặc sách hướng dẫn, giáo viên dựa vào đó để khai thác bài. Nhưng hiện nay theo hướng đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh và sự sáng tạo của giáo viên thì hệ thống từ ngữ cần giảng ở phần tìm hiểu bài không có trong sách bài soạn hoặc sách giáo viên. Bởi vậy khi soạn bài đòi hỏi người giáo viên phải nghiên cứu sâu nội dung bài tập đọc để từ đó tìm ra các từ ngữ, các hình ảnh đẹp làm toát nội dung của đoạn, từ đó làm toát nội dung của bài.
Chính vì lý do đó mà tôi luôn trăn trở, tìm tòi, phải làm thể nào để khi giảng bài tập đọc có được một hệ thống từ ngữ, hình ảnh cô đọng để toát lên nội dung bài giảng. Và tôi đã đi sâu tìm hiểu về phân môn tập đọc lớp 4 với nguyện vọng trình bày là.
“Tìm các từ ngữ, hình ảnh đẹp và cách đặt câu hỏi để giảng các từ ngữ, hình ảnh đó trong một số bài tập đọc lớp 4”.
II- Thực trạng:
* Về học sinh :
Qua trực tiếp giảng dạy tại lớp 4, tôi thấy nhiều em không thích học phân môn tập đọc vì lý do chủ yếu là: phải trả lời nhiều câu hỏi, có nhiều từ ngữ khó hiểu.
* Về giáo viên:
Đa số giáo viên đọc mẫu chưa hay. Đặc biệt là tìm các từ ngữ hình ảnh chưa làm nổi bật nội dung của đoạn. Cách đặt câu hỏi để giảm các từ ngữ, các hình ảnh giáo viên chỉ đặt độc nhất một dạng câu hỏi.
Ví dụ: Bài “Thư thăm bạn”
Trong đoạn 1 có từ cần hiểu “hy sinh”
- Giáo viên chỉ đặt câu hỏi : Em hiểu thế nào là hy sinh ?
Cách đặt câu hỏi như vậy học sinh khó hiểu, khó diện đạt, câu hỏi còn chung chung chưa có tính gợi mở cho học sinh.
III- Tìm từ ngữ, hình ảnh đẹp và cách đặt các câu hỏi để giảng các từ ngữ hình ảnh đẹp đó trong một số bài tập đọc.
1. Phần chung:
Tôi đã nghiên cứu kỹ tất cả các bài tập đọc trong chương trình lớp 4 và đã tìm ra được các từ ngữ, hình ảnh đẹp cần giảng để làm nổi bật nội dung các bài tập đọc và tôi đã phân loại chúng theo các biện pháp giải nghĩa từ như sau:
- Dạng 1: Các từ ngữ thường dùng biện pháp giải nghĩa từ bằng trực quán.
Ví dụ: trắng ngà, yếm thắm, quả đất hình cầu, trắng bệch, vàng hoe, áo lụa đào, màu áo hây hây, xanh um, trắng ngần, tím nhạt, son, tía, hòn rấm
- Dạng 2: Các từ ngữ thường dụng biện pháp giải nghĩa từ bằng cách tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa.
Ví dụ: Hy sinh, vạm vỡ, trung thực, lom khom, dũng cảm, diệu kỳ, mênh mông, rầu rĩ, buồn tênh
- Dạng 3: Các từ ngữ thường dùng biện pháp giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh có trong văn bản hoặc ngữ cảnh do học sinh đặt câu
Ví dụ: (quần áo) tả tơi, (số tiền) bỏ ống, (ánh trăng) vằng vặc, (ước không còn) mùa đông, nhễ nhại (mồ hôi), khủng khiếp, (tuổi) ngọc ngà
- Dạng 4: Các từ ngữ thường dùng biện pháp giải nghĩa từ bằng cách miêu tả sự vật, hoạt động, trạng thái, đặt điểm hoặc tính chất được gọi tên bằng từ ngữ đó.
Ví dụ: Mềm mại, biển như hòn lửa, ung dung, hung dữ, huy hoang, u buồn, nô nức, dập dìu, cộc tuếch, huyền ảo
2. Phần cụ thể:
Dạng 1: Giải nghĩa từ bằng trực quan.
Ví dụ 1: Bài “sầu riêng”
Đoạn 2: ở đoạn 2 học sinh cần nắm được “nét đặc sắc của hoa sầu riêng”.
Trong đoạn này tôi tìm từ cần giảng: “trắng ngà” 
Đồ dùng trực quan là một tấm vải có màu trắng ngà.
Muốn giảng được từ đó trước hết tôi nêu câu hỏi.
H: Hãy miêu tả những nét đặc sắc của hoa sầu riêng
(Học sinh trả lời: Hoa đậu từng chùm màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vẩy cá)
Tôi hỏi tiếp:
H: Em biết màu trắng ngà là màu trắng như thế nào ? 
(Học sinh trả lời chưa chính xác)
Tôi bổ sung để học sinh hiểu: (Giáo viên vừa nói, vừa chỉ vào đồ dùng trực quan)
“Hoa sầu riêng nở có màu trắng hơi ngả màu vàng như màu của tấm vải này, đó là màu trắng ngà và đây là một trong những nét đặc sắc của hoa sầu riêng” (giáo viên ghi từ lên bảng).
Ví dụ 2: 	Bài “Dòng sông mặc áo”
Đoạn 2: Trong đoạn này học sinh cần hiểu “vẻ đẹp của dòng sông vào buổi chiều”.
Đoạn này tôi tìm ngữ cần giảng: “màu áo hây hây”.
Đồ dùng trực quan là tranh dòng sông có màu đỏ phơn phớt.
Muốn giảng được từ đó trước hết tôi nêu câu hỏi :
H : Buổi chiều dòng sông mặc áo màu gì ?
(Học sinh trả lời: Màu áo hây hây)
H: Màu áo hây hây là áo có màu gì ?
(Học sinh trả lời: màu đỏ)
Sau khi học sinh trả lời xong tôi chỉ vào tranh và giảng thêm “Buổi chiều khi mặt trời sắp xuống núi, ánh mặt trời phản chiếu lên các đám mây, làm cho một khoảng trời sáng rực rỡ, nhuộm màu vàng đỏ. Tất cả in xuống dòng sông, tạo cho dòng sông có một màu đỏ phơn phớt. Đó cũng chính là lý do làm sao buổi chiều dòng sông lại có “màu áo hây hây” (giáo viên ghi từ lên bảng).
Dạng 2: Giải nghĩa từ bằng cách: tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa.
Ví dụ 1: Bài “Thư thăm bạn”
Đoạn 1: Học sinh cần nắm được “Bạn Lương viết thư thăm bạn Hồng vì ba của bạn Hồng đã hy sinh trong trận lũ lụt”.
Tôi chọn từ cần giảng: “hy sinh”
Tôi đặt câu hỏi: 
H: Bạn Hồng đã bị mất mát, đau thương gì ?
(Học sinh trả lời: Ba bạn Hồng hy sinh trong trận lũ lụt vừa rồi)
H: Hãy tìm từ đồng nghĩa với từ “hy sinh”
Học sinh trả lời: Mất, chết...
H: Vậy ba của bạn Hồng chết trong trường hợp nào mà tác giả lại dùng từ “hy sinh” ?
(Học sinh trả lời: Chết để cứu mọi người trong trận lũ lụt)
Sau khi học sinh trả lời xong tôi bổ sung “Các em ạ ! ba của bạn Hồng chết trong một trận lũ lụt để cứu người bị nạn. ba của bạn Hồng chết để dành lại sự sống cho người khác, chết vì một mục đích, một lý tưởng cao đẹp. Bởi vậy mà tác giả mới dùng từ “hy sinh” (giáo viên ghi từ lên bảng)
Ví dụ 2: Bài “Những hạt thóc giống”
Đoạn cuối bài: ở đoạn này học sinh cần nắm được: “chú bé Chôm là người có đức tính trung thực nên được truyền ngôi báu”
Trong đoạn này tôi chọn từ cần giảng: “trung thực” 
Muốn giảng được từ đó trước hết tôi đặt câu hỏi:
H: Nhà Vua khen cậu bé Chôm như thế nào ?
( Học sinh trả lời: là cậu bé trung thực, dũng cảm)
H: Hãy tìm từ trái nghĩa với từ “trung thực” ?
(Học sinh trả lời: lừa dối, giả dối)
H: Vậy người có đức tính như thế nào là “trung thực” ?
(Học sinh trả lời: thật thà)
Sau khi học sinh trả lời xong tôi bổ sung thêm: “Cậu bé Chôm là người có đức tính thật thà, ngay thẳng. Đây là một đức tính rất đáng quý của con người mà chúng ta cần học tập ở cậu bé Chôm. Bởi vậy cậu mới được nhà Vua khen là người “ trung thực” (giáo viên ghi từ lên bảng)
Dạng 3: Giải nghĩa từ bằng ngữ cảnh có trong văn bản hoặc ngữ cảnh do học sinh đặt câu, chứa từ cần giải nghĩa. 
Ví dụ 1:	Bài “Người ăn xin” 
Đoạn 1: ở đoạn này học sinh cần nắm được “ông lão ăn xin thật đáng thương”. Trong đoạn này tôi chọn từ cần giảng trong ngữ cảnh: “(quần áo) tả tơi”.
Để giảng được từ đó tôi đặt câu hỏi:
H: Những hình ảnh nào cho thấy ông lão ăn xin thật đáng thương ?
(Học sinh trả lời: ông già lọm khọm, quần áo tả tơi, đôi môi tím nhạt, bàn tay sưng húp)
H: quần áo của ông lão ăn xin được miêu tả như thế nào qua hình ảnh “quần áo tả tơi”.
(Học sinh trả lời: quần áo bị rách nát)
Sau khi học sinh trả lời xong tôi bổ sung thêm “quần áo của ông lão ăn xin bị rách nát, rách đến nỗi rời ra nhiều mảnh nhỏ trông thật là thảm hại, thật là đáng thương. Ông đang cần được mọi người che chở, bao bọc. Tất cả những điều đó được thể hiện qua hình ảnh “(quần áo) tả tơi” (giáo viên ghi từ lên bảng).
Ví dụ 2:	Bài “Nếu chúng mình có phép lạ”
Khổ thơ thứ 3: ở khổ thơ này học sinh cần nắm được “điều ước cao đẹp của các bạn nhỏ”
Trong khổ thơ này tôi chọn từ cần giảng trong ngữ cảnh: “(ước không còn) mùa đông”
Để giảng được từ này tôi đặt câu hỏi:
H: trong khổ thơ thứ 3 nếu có phép lạ các bạn nhỏ sẽ ước điều gì ?
(Học sinh trả lời: ước mãi mãi không còn mùa đông)
H: Về mùa đông thời tiết có gì đặc biệt ?
(Học sinh trả lời: thời tiết giá rét)
H: Vậy các bạn nhỏ “ước không còn mùa đông” là ước về điều gì ?
(Học sinh trả lời: ước cho thời tiết không còn giá rét)
Sau khi học sinh trả lời xong cô bổ sung thêm “Các bạn nhỏ trong bài ước cho thời tiết lúc nào cũng dễ chịu, ấm áp, không còn giá rét của mùa đông. Nhưng cao hơn nữa các bạn nhỏ còn ước cho thế giới không còn thiên tai, không còn những tai hoạ đe doạ con người. Ước mơ của các bạn nhỏ thật là to lớn, thật là cao đẹp và cũng chính là “ước không còn mùa đông” cô mong rằng chúng ta ai cũng có một ước mơ cao đẹp như thế (giáo viên ghi từ lên bảng).
Ví dụ 3: Bài “điều ước của vua Mi - đát”
Đoạn 3: ở đoạn này học sinh cần nắm được: “Vua Mi - đát rất lo lắng khi nhận ra mình đã xin một điều ước khủng khiếp”
Trong đoạn này tôi chọn từ cần giảng: “khủng khiếp”
Để giảng được từ này tôi cần đặt câu hỏi:
H: Khi bọn đầy tớ dọn thức ăn ra, vua Mi - đát mới biết mình đã xin một điều ước như thế nào ?
(Học sinh trả lời: khủng khiếp)
H: Hãy đặt câu có từ “khủng khiếp” ?
(Học sinh trả lời: giấc mơ khủng khiếp; tai hoạ khủng khiếp )
Sau khi học sinh trả lời xong tôi bổ sung thêm “khi đầy tớ dọn thức ăn ra bàn. Các thức ăn nước uống vua chạm tay vào đều biến thành vàng, lúc đó nhà vua rất lo lắng, rất hoảng sợ, hoảng sợ tới mức tuột cùng. Bởi vậy khi nhắc đến vua Mi - đát là nhắc đến điều “khủng khiếp” đó (giáo viên ghi từ lên bảng).
- Dạng 4: Giải nghĩa từ bằng cách miêu tả sự vật, hành động, trạng thái, đặc điểm hoặc tính chất được gọi tên bằng từ ngữ đó.
Ví dụ 1: 	Bài “Chú Đất Nung”
Đoạn cuối bài: Học sinh hiểu được ý nghĩa câu nói của “Chú Đất Nung”.
Đoạn này tôi tìm từ cần giảng: “cộc tuếch” 
Để giảng được từ đó tôi nêu câu hỏi: 
H: Khi nghe nàng công chúa thì thào với chàng kỵ sỹ, Đất Nung đánh một câu như thế nào ?
(Học sinh trả lời: đánh một câu cộc tếch)
H: Em hiểu “cộc tuếch” là câu nói như thế nào ?
(Học sinh trả lời: ngắn gọn)
Sau khi học sinh trả lời xong tôi bổ sung thêm “khi nghe nàng công chúa thì thào với chàng kỵ sỹ chú Đất Nung đã nói một câu rất ngắn gọn, không đưa đẩy, không màu mè. Câu nói như thế là câu nói “cộc tuếch” và câu nói ấy khuyên mọi người phải rèn luyện mới cứng rắn, mới chịu đựng được khó khăn gian khổ để trở thành người có ích. Cô mong rằng chúng ta ai cũng là người có ích (giáo viên ghi từ lên bảng)
Ví dụ 2: Bài “Cánh diều tuổi thơ”
Đoạn 1: ở đoạn này học sinh cần nắm được: “vẻ đẹp của cánh diều”.
Muốn giảng được từ đó tôi nêu câu hỏi:
H: Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều ?
(Học sinh trả lời: cánh diều mềm mại như cánh bướm)
H: Em hiểu “mềm mại” là thế nào ?
(Học sinh trả lời: rất mềm)
Sau khi học sinh trả lời xong tôi bổ sung thêm “bằng nghệ thuật so sánh, bằng cách dùng từ gợi cảm, gợi tả, tác giả cho chúng ta thấy cánh diều rất mềm, gợi cho chúng ta có cảm giác rất dễ chịu khi sờ tay đến. Bởi vậy mỗi lần cánh diều bay cao, bay xa, chúng ta mới thấy hết được sự “mềm mại” của nó”. (giáo viên ghi từ lên bảng)
Ví dụ 3: Bài “Đoàn thuyền đánh cá”
Khổ thơ 1: Học sinh cần nắm được “vẻ đẹp của biển vào lúc hoàng hôn”.
Trong đoạn này tôi tìm hình ảnh cần giảng “mặt trời xuống biển như hòn lửa”.
Để giảng được hình ảnh này tôi nêu câu hỏi.
H: tìm những hình ảnh nói lên vẻ đẹp của biển vào lúc hoàng hôn ?
(Học sinh trả lời: 	Mặt trời xuống biển như hòn lửa
	Sóng đã cài then đêm sập cửa)
H: Em có cảm nhận gì qua hình ảnh “mặt trời xuống biển như hòn lửa”?
(Học sinh trả lời chưa chính xác)
Tôi bổ sung để học sinh hiểu: “Hình ảnh về biển thật đẹp. Giường như tác giả cảm nhận được từng màu sắc, ánh sáng của mặt trời để dùng từ ngữ rất gợi tả “hòn lửa”. Tất cả những quan sát tinh tế và khéo léo ấy cho ta cảm nhận được vẻ đẹp huy hoàng của biển vào lúc hoàng hôn. Vẻ đẹp đó được gợi lên qua hình ảnh “mặt trời xuống biển như hòn lửa” (giáo viên ghi từ lên bảng)
Trong quá trình giảng dạy tôi đã áp dụng “cách tìm từ ngữ, hình ảnh đẹp và cách đặt câu hỏi để giảng các từ ngữ, hình ảnh đó” như trên một cách có hiệu quả, góp phần cho bài dạy “có hồn”. Tôi đã thông qua kinh nghiệm của tôi cùng các đồng chí trong khối, trong tổ tất cả đều nhất trí và học tập.
Kết quả khảo sát chất lượng thông qua phân môn tập đọc: Tổng số học sinh 23 em

Các kỳ kiểm tra
Giỏi
Khá
TB
Yếu
Lần 1
0
5
8
10
Lần 2
4
7
10
2
Lần 3
5
7
11
0
Lần 4
6
7
10
0
* Qua kinh nghiệm trên tôi rút ra bài học:
Muốn giảng bài hay hấp dẫn, thu hút học sinh, giáo viên cần chú ý: 
- Giáo viên đọc kỹ, đọc hay bài tập đọc:
Chuẩn bị các từ ngữ, hình ảnh định giảng, sau đó chuẩn bị hệ thống câu hỏi rút từ, hình ảnh và giảng từ, giảng các hình ảnh đó một cách phù hợp nhằm chuyển tải nội dung bài học đến học sinh tạo giờ học không nặng nề, không mất thời gian.
- Các câu hỏi để học sinh hiểu nghĩa của từ giáo viên không nên di danh định nghĩa mà cần có các câu hỏi gợi mở để học sinh dễ hiểu từ.
- Để giảng từ hay giáo viên cần có nghệ thuật giảng từ, linh hoạt vận dụng các cách giảng từ vào trong bài giảng để tiết dạy sinh động – giảng từ phải đi từ ngữ chính sau đó chuyển sang nghĩa mà tác giả muốn sử dụng trong bài.
IV- Kết luận
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm của tôi nhằm mục đích tạo ra các tiết dạy ở phân môn tập đọc “nhẹ nhàng - tự nhiên – hiệu quả”; tạo ra hứng thú học tập cho học sinh bước đầu có hiệu quả cao song cũng còn có nhiều hạn chế. Nhưng tôi vẫn mạnh dạn trình bày lên đây, rất mong được sự góp ý bổ sung của đồng nghiệp để kinh nghiệm của tôi được phong phú hơn, thiết thực và bổ ích hơn với mục đích cao cả là: “nâng cao chất lượng học tập cho học sinh”.
Xin cảm ơn !

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN Tap doc 4.doc