Một số kỹ năng quản lý lớp dành cho giáo viên tiểu học

Ở độ tuổi tiểu học, các em cần được rèn luyện mọi hành vi, lời nói và ý thức học tập tạo nền tảng đảm bảo hình thành tốt phẩm chất con người. Vì vậy, giáo viên cần trang bị đầy đủ kỹ năng quản lý lớp học giúp học sinh hình thành thói quen tốt trong quá trình học tập.

1. Kỹ năng quản lý lớp học là gì?

Kỹ năng quản lý lớp học mang nghĩa rất rộng, nó không chỉ là việc giáo viên quản lý hành vi của từng cá nhân trong lớp học mà quản lý lớp học còn liên quan tới toàn bộ hoạt động trong môi trường lớp học. Theo  Wong & Wong, kỹ năng quản lý lớp học bao gồm quản lý không gian, thời gian, cơ sở vật chất của nhà trường, các công cụ học tập trong lớp học và những hành vi, hoạt động của học sinh để xây dựng bầu không khí lớp học.

Picture1

Quản lý lớp học tốt sẽ quyết định đến chất lượng giảng dạy và học tập.
Khả năng quản lý lớp học của giáo viên tốt sẽ quyết định đến chất lượng giảng dạy và học tập. Một lớp học có toàn bộ học sinh đều nhận thức được hành vi và khả năng của mình, hợp tác tốt cùng giáo viên xây dựng môi trường học tích cực, lành mạnh thì đấy mới là cốt lõi để quyết định chất lượng giáo dục. Khi giáo viên áp dụng tốt các kỹ năng quản lý lớp học, học sinh sẽ tự khơi dậy cảm hứng học tập và phát huy được năng lực của mình.

2. Một số kỹ năng quản lý lớp hiệu quả dành cho giáo viên tiểu học

2.1. Kỹ năng xây dựng nội quy lớp học

Lứa tuổi tiểu học được xem như là một trang giấy trắng, đặc biệt là những ngày đầu các em vào lớp 1, làm quen môi trường và thầy cô giáo mới. Mọi thói quen giờ giấc và sinh hoạt lớp thay đổi nên thầy cô cần xây dựng cho các em ý thức kỷ luật để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Để làm tốt việc này, ngay những ngày đầu giáo viên chỉ ra kết quả của việc học tập tốt thì các em sẽ gặt hái được những thành công gì, từ đó tổ chức cho học sinh tham gia những buổi xây dựng nội quy của nhà trường và lớp học. Giải thích cho học sinh hiểu ý nghĩa của từng nội quy và hướng dẫn các em làm theo. Kèm theo đó là đưa ra các hình thức thưởng, phạt rõ ràng để các em có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ nội quy đã đề ra. Khi xây dựng nội quy, giáo viên nên đưa ra từ 5-10 điều cơ bản, không nên ra quá nhiều quy định. Ví dụ: Đi học đúng giờ, chuẩn bị bài tập về nhà đầy đủ, trang phục nghiêm chỉnh đúng quy định, tôn trọng thầy cô và lịch sự với bạn bè, không làm thiệt hại đồ dùng học tập chung,...

2.2. Kỹ năng xây dựng môi trường lớp học

Môi trường lớp học đóng vai quan trọng trong việc thúc đẩy học sinh tham gia và quá trình xây dựng tiết học, hạn chế được tình trạng học sinh lười học, làm việc riêng, mất trật tự. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, gần gũi giữa giáo viên và học sinh. Dạy học sinh cách hợp tác, đồng cảm, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Sự chú ý vào bài giảng của trẻ một phần ảnh hưởng bởi chất lượng bài giảng có cuốn hút các em hay không. Giáo viên nên bổ sung các kỹ năng giảng dạy hiện đại thông qua một số nền tảng hoặc phần mềm còn có sẵn thư viện bài giảng điện tử giúp học sinh có hứng thú, tạo nên môi trường học tập sôi nổi hơn.

Picture2

Môi trường lớp học đóng vai quan trọng trong việc xây dựng tiết học hiệu quả.

2.3. Kỹ năng kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi xấu

Trong quá trình tổ chức lớp học sẽ không tránh khỏi những tình huống như: học sinh nói bậy, làm việc riêng, lấy cắp tài sản, vô lễ,... Việc ứng phó, xử lý những hành vi sai phạm của học sinh luôn là vấn đề nan giải, giáo viên luôn phải là người đứng giữa giải quyết vấn đề theo cách công tâm nhất. Trong những tình huống này, giáo viên nên tránh đưa ra những lời nói nặng nề mà nên dùng lời nói ân cần nhắc nhở, khuyên răn và đưa ra những biện pháp kỷ luật hợp lý. Tùy từng trường hợp mà mức độ kỷ luật khác nhau. Quá trình giải quyết vấn đề cần kiên quyết, cứng rắn để đảm bảo học sinh không tái phạm, đồng thời làm gương cho cả lớp. Đối với những trường hợp xấu nhất không thể giải quyết, giáo viên nên báo cáo giám hiệu nhà trường, phối hợp cùng cha mẹ để điều chỉnh những thói xấu của trẻ.
Để biết kỹ năng quản lý lớp học đó tốt hay chưa, giáo viên nên thường xuyên xem xét lại những hành động và thái độ của trẻ từ đó điều chỉnh biện pháp kỷ luật phù hợp hơn.

2.4. Kỹ năng nâng cao chất lượng dạy học

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực khác nhau như phương pháp học nhóm, nhập vai, tổ chức trò chơi,... Ngoài ra giáo viên cần xây dựng nhiều bài giảng tương tác thông qua các phần mềm soạn giáo án điện tử, kết hợp tranh ảnh, video và hình học đồ họa đẹp mắt, tạo hứng thú học tập cho học sinh và nâng tầm khả năng giảng dạy của giáo viên. Khi đã tạo được môi trường cuốn hút, học sinh sẽ tự động tương tác và tiếp thu kiến thức bài giảng một cách tự nhiên. Các em sẽ nhớ lâu và hứng thú trông chờ vào các tiết học tiếp theo. 
Để tổ chức thành công một lớp học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, song yếu tố quan trọng nhất vẫn là kỹ năng quản lý lớp học. Hy vọng bài viết trên đã giải thích cho người đọc hiểu thêm kỹ năng quản lý lớp học là gì, làm thế nào để áp dụng một vài kỹ năng vào tổ chức lớp học hiệu quả.

docx 4 trang Người đăng admin Lượt xem 4165Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Một số kỹ năng quản lý lớp dành cho giáo viên tiểu học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxMột số kỹ năng quản lý lớp dành cho giáo viên tiểu học.docx