Đề tài Tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

 Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 hiện hành được cấu trúc theo ba chủ đề "Con người và sức khoẻ", "Xã hội", "Tự nhiên". Sau mỗi chủ đề, mỗi học kỳ lại có các bài ôn tập. Một trong những yêu cầu cơ bản của một bài ôn tập là củng cố các kiến thức đơn lẻ đã học (trong từng chủ đề, từng kỳ), hệ thống lại thành một thể thống nhất trong mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau. Vấn đề cần quan tâm ở đây là trên cơ sở vốn kiến thức các em đã được học, cần phải sắp xếp hệ thống lại để giúp các em có cái nhìn tổng thể, biết so sánh, phân tích để tự rút ra nhận xét (kết luận), nắm được nội dung cơ bản của một chủ đề, một đơn vị thời gian học (học kỳ). Để thực hiện được yêu cầu cơ bản đó không phải là một việc dễ, một phần vì nội dung các bài ôn tập thường khô khan, không mới mẻ, không hấp dẫn học sinh, một phần nữa là do khả năng tư duy khái quát tổng hợp của học sinh lớp 3 còn hạn chế. Với những lý do trên, việc dạy các bài ôn tập trong chương trình Tự nhiên và xã hội lớp 3 như thế nào cho có hiệu quả cao đang còn là điều băn khoăn với giáo viên.

 

doc 8 trang Người đăng minhtuan77 Lượt xem 668Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:	
	Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 hiện hành được cấu trúc theo ba chủ đề "Con người và sức khoẻ", "Xã hội", "Tự nhiên". Sau mỗi chủ đề, mỗi học kỳ lại có các bài ôn tập. Một trong những yêu cầu cơ bản của một bài ôn tập là củng cố các kiến thức đơn lẻ đã học (trong từng chủ đề, từng kỳ), hệ thống lại thành một thể thống nhất trong mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau. Vấn đề cần quan tâm ở đây là trên cơ sở vốn kiến thức các em đã được học, cần phải sắp xếp hệ thống lại để giúp các em có cái nhìn tổng thể, biết so sánh, phân tích để tự rút ra nhận xét (kết luận), nắm được nội dung cơ bản của một chủ đề, một đơn vị thời gian học (học kỳ). Để thực hiện được yêu cầu cơ bản đó không phải là một việc dễ, một phần vì nội dung các bài ôn tập thường khô khan, không mới mẻ, không hấp dẫn học sinh, một phần nữa là do khả năng tư duy khái quát tổng hợp của học sinh lớp 3 còn hạn chế. Với những lý do trên, việc dạy các bài ôn tập trong chương trình Tự nhiên và xã hội lớp 3 như thế nào cho có hiệu quả cao đang còn là điều băn khoăn với giáo viên.
	Như ta đã biết, trong phương pháp dạy học mới, người giáo viên luôn phải làm sao để "tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh", phải để mỗi học sinh đều được hoạt động và có cơ hội bộc lộ khả năng cá nhân. Để tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh có một yếu tố vô cùng quan trọng đó là tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Bởi có hứng thú, các em sẽ học bài một cách tự giác, chủ động và ghi nhớ lâu điều đã học. Ngược lại, sự gò bó và nhàm chán sẽ dẫn đến việc các em tiếp thu bài một cách miễn cưỡng, thụ động và kém hiệu quả. Vậy giải pháp nào để tạo hứng thú học tập cho học sinh khi học các bài ôn tập môn Tự nhiên và Xã hội? Có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó, song với kinh nghiệm của tôi, có một biện pháp rất có hiệu quả là tổ chức trò chơi học tập cho các em tham gia. Qua trực tiếp giảng dạy các môn học nói chung, môn Tự nhiên và Xã hội nói riêng, tôi nhận thấy mỗi khi tổ chức trò chơi học tập thì các em học sinh dường như hoạt bát hẳn lên và tham gia một cách nhiệt tình, sôi nổi. Thông qua việc "học mà chơi - chơi mà học", các em đã chủ động nắm được kiến thức một cách có hiệu quả và giờ học diễn ra một cách nhẹ nhàng hấp dẫn.
	II. BIỆN PHÁP:
	Có nhiều hình thức tổ chức các trò chơi học tập cho học sinh tham gia. Người giáo viên cần phải nắm bắt được hình thức trò chơi nào có thể vận dụng vào bài dạy của mình mà tạo được cho học sinh hứng thú học tập tốt nhất. Qua tìm hiểu và quan sát các em chơi, tôi nhận thấy các em rất thích chơi các quân bài Pô - kê - mon, quân bài siêu nhân v.v... Các em chơi những trò này có vẻ rất say sưa, vì thế tôi đã sử dụng những quân bài này để biến thành các quân bài học tập bằng cách: Mỗi quân bài thường có hai mặt, một mặt in hình vẽ rất đẹp thì tôi giữ nguyên, mặt kia tôi lấy bìa trắng dán trồng lên và ghi vào đó nội dung kiến thức hoặc câu hỏi ôn tập. Sau đó, giáo viên tổ chức cho học sinh chơi. Mặt khác, các cách chơi trong các chương trình giải trí trên truyền hình như "vườn cổ tích", "chiếc nón kỳ diệu" cũng có thể vận dụng vào bài dạy. Trước hết, người giáo viên cần xác định rõ yêu cầu cơ bản về kiến thức kỹ năng mà mục tiêu bài học cần đạt được để chọn phương pháp và hình thức dạy học hợp lý. Việc tổ chức trò chơi học tập cũng cần linh hoạt, tránh đơn điệu và phải có nhiều học sinh được tham gia. Để tiến hành trò chơi học tập có hiệu quả, người giáo viên phải xác định được sự chuẩn bị của mình và của học sinh bao gồm những gì, thời gian chơi, phương thức chơi, cách phân biệt thắng thua, ai là trọng tài v.v... Tất cả những điều này phải được thể hiện trong bài soạn của giáo viên. Sau khi tổ chức trò chơi phải có tổng kết đánh giá, khen thưởng cho cá nhân hoặc nhóm, tổ có kết quả cao. Khen thưởng ở đây chủ yếu mang tính chất động viên, khích lệ, giáo viên có thể cho cả lớp vỗ tay khen, hoặc tặng danh hiệu như "nhà khoa học nhỏ tuổi", có khi là một bông hoa v.v... Dù với hình thức nào thì các em cũng hết sức phấn khởi và tự hào, điều này phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ là thích được động viên, khen ngợi. Giáo viên không nên chê ngay cả với cá nhân, nhóm, tổ bị thua.
	Ví dụ: Bài: "Ôn tập và kiểm tra: Con người và sức khoẻ" (Tự nhiên và Xã hội 3, bài 17 - 18), để giúp học sinh củng cố và hệ thống hoá các kiến thức về: Cấu tạo ngoài và chức năng của các cơ quan: Hô hấp, tuần hoàn, bài tiết nước tiểu và thần kinh, nên và không nên làm gì để bảo vệ và giữ vệ sinh các cơ quan đó, tôi đã tiến hành tổ chức trò chơi học tập sau:
	A. chuẩn bị:	
	Giáo viên: 
	- 5 ống bơ nhỏ trong đựng một số hạt sỏi để làm "chuông".	
	- Hệ thống câu hỏi kèm theo đáp án (mỗi câu hỏi và đáp án ghi vào một mảnh bìa đánh số thứ tự).	
	- Cờ nhỏ: 10 cái	
	Sau đây là hệ thống câu hỏi:
	1. Nêu tên các bộ phận của cơ quan hô hấp và chức năng của các bộ phận đó ?	2. Bạn nên làm gì và không nên làm gì để bảo vệ cơ quan hô hấp ?	
	3. Cơ quan tuần hoàn có những bộ phận nào? chức năng của các bộ phận đó là gì ?
	4. Hãy nêu đường đi của máu trong hai vòng tuần hoàn.	
	5. Để bảo vệ tim mạch cần làm và không nên làm những gì ?
	6. Cơ quan thần kinh bao gồm những gì ? Nêu chức năng của các bộ phận đó.
	7. Bộ phận nào của cơ quan thần kinh điều khiển các hoạt động phản xạ của cơ thể ? Bộ phận nào của cơ quan thần kinh điều khiển mọi suy nghĩ và hoạt động của cơ thể ?
	8. Để bảo vệ cơ quan thần kinh ta phải làm thế nào ?
9. Nêu các bộ phận của cơ quan bài tiết nước tiểu và chức năng của các bộ phận đó.
10. Kể các việc nên làm và không nên làm để bảo vệ cơ quan bài tiết nước tiểu.
B. Tiến hành trên lớp:
- Giáo viên nêu mục đích của bài học: Hôm nay chúng ta sẽ ôn tập chủ đề "Con người và sức khoẻ". Trong chủ đề này các em đã được học về những cơ quan nào của cơ thể con người? (học sinh nêu câu trả lời).	
Giáo viên tiếp tục nêu: Từng bạn hãy nhớ lại trong các cơ quan đó, mỗi cơ quan có những bộ phận nào? Chức năng của mỗi bộ phận ra sao ? Cách bảo vệ các cơ quan đó như thế nào ? (Sau đó giáo viên yêu cầu học sinh mở sách giáo khoa để xem lại các bài đã học, hoạt động này khoảng 5 phút).
Giáo viên: Các em đã nhớ lại những điều mình đã học. Để thử tài kiến thức của mỗi bạn, các em sẽ cùng nhau tham gia trò chơi có tên "Bác sĩ nhỏ" nhé !
- Giáo viên chọn ra 3 bạn làm trọng tài lên ngồi ở bàn trên cùng, số học sinh còn lại chia thành 5 đội (mỗi đội có số bạn tương đương 5 hoặc 6 người). Đặt tên đội.	
- Giáo viên phổ biến cách chơi: Trọng tài nêu câu hỏi cho đội 1. Sau 30 giây hội ý, đội 1 phải có câu trả lời. Nếu trả lời sai hoặc không có câu trả lời thì 4 đội còn lại sẽ lắc chuông giành quyền trả lời (đội nào lắc chuông nhanh nhất sẽ giành quyền trả lời). Mỗi câu trả lời đúng được thưởng một lá cờ, đội nào giành được nhiều cờ nhất là đội chiến thắng.	
- Cho học sinh chơi: Trong lúc học sinh chơi, giáo viên cần giúp đỡ, gợi ý để mỗi em trong đội được luân phiên trả lời, tránh tình trạng chỉ có một số em chuyên trả lời còn em khác đóng vai "khán giả", làm sao để phát huy tối đa số học sinh được tham gia.	
- Sau khi kết thúc trò chơi, giáo viên tổng kết và chọn ra đội thắng cuộc và tặng danh hiệu "Bác sĩ nhỏ" cho các bạn trong đội đó.	
- Cuối cùng, giáo viên lần lượt treo 4 sơ đồ minh hoạ 4 cơ quan đã học và cho học sinh lên chỉ và nói tên từng bộ phận của cơ quan đó để học sinh ghi nhớ.
Giáo viên chốt lại nội dung ôn tập, nhận xét giờ học. Tất cả hoạt động trên diễn ra ở tiết 17, còn tiết 18 sẽ thực hiện nội dung còn lại của bài và kiểm tra.
Để tránh sự tẻ nhạt, gây nhàm chán cho học sinh, giáo viên cần thay đổi các hình thức trò chơi. Không phải bài ôn tập nào cũng sử dụng hình thức tổ chức trò chơi như nhau mà phải sáng tạo để hoạt động học tập được phong phú sinh động. Giáo viên có thể sử dụng các "quân bài học tập" để cho học sinh chơi theo nhóm tổ. Ví dụ ở bài ôn tập và kiểm tra học kỳ (Tự nhiên và Xã hội 3 - bài 34 - 35) tôi đã hướng dẫn học sinh chơi trò chơi học tập như sau:
A. chuẩn bị: 24 quân bài khác nhau làm thành một bộ.	
Các quân bài:
1. Mũi, khí quản, phế quản	13. Dẫn khí
2. Phổi	14. Trao đổi khí
3. Tim	15. Co bóp, đẩy máu vào mạch máu
4. Mao mạch	16. Nối động mạch với tĩnh mạch
5. Động mạch	17. Đưa máu từ tim đi khắp cơ thể
6. Tĩnh mạch	18. Đưa máu từ cơ thể về tim
7. Thận	19. Lọc máu
8. Bóng đái	20. Chứa nước tiểu
9. Ống dẫn nước tiểu	21. Dẫn nước tiểu từ thận xuống bóng đái
10. Não	22. Được bảo vệ trong hộp sọ
11. Não và tuỷ sống	23. Điều khiển mọi hoạt động của cơ thể
12. Dây thần kinh	24. Dẫn luồng thần kinh
B. Cách chơi: Giáo viên chia học sinh cả lớp thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 8 bạn. Phát cho mỗi nhóm 1 bộ bài.
Mỗi nhóm sẽ chia làm 2 lượt chơi, mỗi lượt chơi 4 em. Bốn em sẽ chia đều 24 quân bài cho nhau, và oẳn tù tì để chọn người ra quân bài trước. Ví dụ: Em A ra quân bài "Phổi", yêu cầu em nào có quân bài "trao đổi khí" phải ra bài. Nếu ra bài sai thì phải cầm bài lên và không được quyền ra bài tiếp. Nếu ra bài đúng sẽ được quyền ra con bài tiếp theo. Kết thúc lượt chơi, ai còn nhiều bài trên tay là người thua cuộc. Hết một lượt chơi thì đổi để 4 bạn còn lại chơi tiếp.
Với bài “ôn tập và kiểm tra học kỳ II: Tự nhiên” tôi đã tiến hành tổ chức trò chơi học tập bằng hình thức đơn giản hơn nhưng cũng hết sức hấp dẫn với các em học sinh. Bài ôn tập này bao gồm 2 tiết: Tiêt 69 và tiết 70. Ở tiết 69 học sinh được ôn tập về động vật và thực vật, ở tiết 70 ôn tập các nội dung về “Bầu trời và mặt đất”. Tôi xin trình bày trò chơi học tập diễn ra ở tiết 69. Ở tiết học này, sau khi hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm để làm bài tập 3 (Vở bài tập Tự nhiên và Xã hội 3) và báo cáo kết quả làm bài xong, tôi tiến hành tổ chức trò chơi học tập như sau:
A. Chuẩn bị: Học sinh: Bảng con, phấn (hoặc bút viết bảng).
	 Giáo viên: Hệ thống “câu đố” và đáp án.
Sau đây là hệ thống câu đố:
1. Tôi có nhiều chân, có vỏ cứng nhưng không có đuôi. Tôi là ai ?
2. Tôi có nhiều chân và đôi cánh rực rỡ. Tôi là ai ?
3. Tôi có tên giống với một loài biết bay nhưng tôi chỉ biết bơi thôi. Tôi là ai ?
4. Tôi có vảy nhưng tôi còn biết bay. Tôi là ai ?
5. Tôi có vú nhưng tôi lại có cánh. Tôi là ai ?
6. Tôi được mệnh danh là “Chúa tể rừng xanh”. Tôi là ai ?
7. Tôi có gai nhọn, có 4 chân. Tôi là ai ?
8. Tôi là loài cá to lớn nhất. Tôi là ai ?
9. Tôi là loài côn trùng biết làm mật. Tôi là ai ?
10. Tôi là loài cá hung chữ nhất biển khơi. Tôi là ai ?
B. Cách tiến hành:
- Nêu tên trò chơi: “Đố bạn: Tôi là ai ?”.
- Chia lớp thành nhóm: Mỗi nhóm có 4 em bao gồm số học sinh ngồi ở hai bàn cạnh nhau. Cử 1 học sinh làm trưởng trò, 1 học sinh khác làm thư ký ghi kết quả của các nhóm.
- Nêu luật chơi: Trưởng trò nêu câu đố. VD: “Tôi có nhiều chân, có vỏ cứng nhưng không có đuôi. Tôi là ai ?”. Các bạn ở mỗi nhóm thảo luận nhanh và ghi tên con vật đó vào bảng con. Sau 15 giây, trưởng trò gõ thước, tất cả các nhóm giơ bảng. Trưởng trò quan sát nhanh và nhận xét (với sự giúp đỡ của giáo viên), thư ký ghi kết quả lên bảng. Ví dụ: Mỗi nhóm trả lời đúng sẽ được đánh dấu X vào bên cạnh tên nhóm.
- Cho học sinh chơi.
- Kết thúc trò chơi, giáo viên tổng kết, khen ngợi học sinh.
Trò chơi này diễn ra khoảng 5 - 6 phút. Thời gian còn lại, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện phần còn lại của bài học.
Trò chơi học tập vừa trình bày trên đây dễ tiến hành, không tốn kém, mà nhiều học sinh được tham gia nên các em rất hào hứng. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra, đó là việc giữ trật tự trong lớp khi tiến hành tổ chức trò chơi học tập. Trẻ em khi đã hứng thú quá mức sẽ khó kiềm chế. Ví dụ: Khi giáo viên cần một “khoảng lặng” để nhận xét, đánh giá chẳng hạn thì rất khó vì âm hưởng của trò chơi vẫn còn trong các em,, các em vẫn đang còn bàn tán sôi nổi về trò chơi nên không chú ý nghe giáo viên nói. Để khắc phục điều đó, người giáo viên phải xây dựng cho học sinh lớp mình những “quy ước”. Ví dụ: Khi cô lắc chuông thì tất cả các em phải tập trung chú ý xem cô nói gì. Ai, nhóm nào không thực hiện sẽ bị trừ vào điểm mà mình đã đạt được trong trò chơi này v.v Những quy ước này phải được xây dựng ngay từ đầu năm học, làm được điều đó sẽ tránh được sự ồn ào quá khích của học sinh dẫn đến tình trạng trò chơi kéo dài hơn dự kiến - Điều mà nhiều giáo viên ngại nên ít khi tổ chức trò chơi học tập trong dạy học. 
III. KẾT QUẢ:
Qua áp dụng cách làm trên, tôi nhận thấy các em đạt được kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội tốt hơn. Các em có hứng thú hơn với môn học và phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập. Cụ thể, qua khảo sát bằng hình thức trắc nghiệm, tôi thu được kết quả:
Năm học
Lớp
Tổng số HS
Số HS hiểu nội dung bài 
sau bài ôn tập
Số HS ghi nhớ lâu 
nội dung đã học
2005 - 2006
3A
32
28 em - đạt tỷ lệ 86,8%
22 em - đạt tỷ lệ 68,2%
IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Việc tổ chức trò chơi học tập trong các bài ôn tập môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 nói riêng và các lớp khác nói chung ở tiểu học tạo ra không khí hào hứng, thoải mái, giờ học diễn ra nhẹ nhàng, nhưng hiệu quả. Trò chơi phù hợp với đặc điểm nhận thức, đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học nên đã góp phần thúc đẩy tính tích cực hoạt động của các em, rèn luyện kỹ năng suy nghĩ độc lập, sự nhanh trí và tinh thần đồng đội. Các tình huống đòi hỏi vận dụng những kiến thức đã học tạo cho các em khả năng ghi nhớ lâu, chính xác và đảm bảo tính lôgíc, hệ thống của kiến thức. Tổ chức trò chơi học tập theo hình thức nào là do sự sáng tạo của mỗi giáo viên, tuy nhiên dưới hình thức nào chăng nữa cũng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Phải có sự chuẩn bị chu đáo từ phía giáo viên trước khi đến lớp.	
2. Trò chơi cần hấp dẫn, dễ thực hiện và phải phong phú, sinh động, tránh sự tẻ nhạt nhàm chán và phải phù hợp với đối tượng học sinh (lứa tuổi nào, học sinh thành thị hay nông thôn, miền núi).
3. Phải đảm bảo nhiều học sinh được tham gia, tránh tình trạng chỉ có một bộ phận học sinh được tham gia.
4. Phải có tổng kết, đánh giá, khen thưởng khi kết thúc trò chơi.
Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân tôi trong quá trình dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3. Chắc rằng những ý kiến trên đây còn có nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của cấp trên và các bạn đồng nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn

Tài liệu đính kèm:

  • docItrò choi tTNXH lớp 3.doc